Bay Việt Nam – Đài Loan
Hiện tại có khá nhiều đường bay thẳng từ Việt Nam sang nhiều thành phố của Taiwan như Taipei, Taichung, Kaohsiung. Một số hãng hay tung vé rẻ đi Đài Loan như Vietjet Air, Vanilla (hãng này mới của Nhật nên được review rất tốt). Tuy vậy thì Vanilla mới chỉ có đường bay từ Sài Gòn chứ chưa có ở Hà Nội. Tôi mua được vé 0đ của Vietjet sau khi book tất tần tật cộng thuế phí vào là 2.5tr khứ hồi chưa có ký gửi, chẳng hiểu sao thuế phí gì mà đắt đến vậy, trong khi mua 0đ của Vanilla chỉ tầm hơn 1.5tr thôi.
Sau khi xuống sân bay bạn sẽ phải điền vào form nhập cảnh, qua cửa hải quan rồi thì có thể ra mua sim 4G dùng trong khoảng 1 tuần ở đây. Hiện tại thì tuyến tàu MRT chạy từ sân bay về trung tâm vẫn đang xây nên cách tiết kiệm nhất vẫn là đi xe bus (ngoài taxi). Bạn đi theo chỉ dẫn để ra bến xe bus ngay ngoài sảnh sân bay mua vé vào thành phố.
Bus trung chuyển này chuyên chạy tuyến sân bay, bạn nhớ tên hãng là Kuokuang số hiệu 1819, giá vé 125NT. Bus sẽ chạy đến bến cuối cùng là Taipei Main Train Station mất tầm gần 1 tiếng, từ đây bạn có thể đi MRT về khách sạn hoặc đi bộ nếu thuê khách sạn ở ngay gần ga trung tâm.
Đi lại ở Đài Loan
Cũng như ở các nước phát triển thì Metro hay còn gọi là MRT là phương tiện đi lại chính ở Taipei. Nhìn chung tàu ở đây sạch đẹp, đi rất nhanh, MRT nhiều line dầy đặc và gần như phủ kín hầu hết các điểm trong trung tâm. Cách đi, mua vé thì cũng giống như các thành phố khác thôi, bạn có thể tham khảo các bài viết của tôi về đi tàu ở Sing, Malaysia,..
Để đi MRT thì bạn có thể mua vé lẻ (dạng token) hoặc mua thẻ nạp tiền không phải mua lẻ nữa. Theo nhận thấy của tôi thì nếu ở Taiwan lâu dài nên mua thẻ nạp tiền sẽ tiện hơn, đồng thời giá từng chặng cũng sẽ rẻ hơn mua lẻ. Ví dụ như nếu mua lẻ thì giá vé lần lượt cho từng chặng là 20,25,30NT, trong khi dùng thẻ chặng ngắn chỉ có 16NT thôi.
Khách sạn ở Đài Loan
Kinh nghiệm về đặt phòng khách sạn ở Taiwan là cũng khá giống với khi đi châu Âu, tức là tìm khách sạn ở gần ga trung tâm, từ Taipei, Tainan, Kaohsiung,.. Việc này giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại vì thường điểm đầu tiên khi đến một thành phố ở Đài Loan chính là ga trung tâm của thành phố đó. Và thường là các ga chính này cũng là trung tâm thành phố với các tụ điểm ăn chơi, khu mua bán sầm uất nên không sợ buồn hay thiếu dịch vụ. Giá phòng cũng không chênh nhau nhiều so với các khu khác.
Những khách sạn mà tôi đặt trong chuyến đi vừa rồi:
- Taipei – Đài Bắc: Cavemen Hostel Taipei Station Youth Branch – Cách ga trung tâm 5′ đi bộ, toạ lạc trên tầng 7 của một toà nhà ngay mặt đường lớn, phòng đẹp. Khu vực này sầm uất cái gì cũng có, đi lại tiện lợi, cửa hàng tiện lợi, đồ ăn sáng và gần 1 hiệu trà sữa khá ngon.
- Tainan – Đài Nam: Tavern L Hostel – Cách ga Tainan 10′ đi bộ, nhân viên nhiệt tình, phòng không đẹp bằng ở Taipei, cũng ngay mặt đường dễ tìm, ngay bên đường là trạm xe bus.
- Kaohsiung – Cao Hùng: Paper Plane Hostel – Phòng siêu đẹp và công nghệ thông minh, toạ lạc trên tầng 10 của 1 toà nhà lớn, sát ga MRT. Buổi tối nằm ngắm đường phố từ trên cao lung linh.
- Hualien – Hoa Liên: Hualien Wow Hostel – không phải đắn đo nhiều vì khách sạn này quá ổn nằm ngay đối diện ga Hualien.
Review chi tiết về các khách sạn này sẽ có trong các bài ký sự, nhưng nhìn chung các hostel trên đều được tôi đánh giá cao về mọi mặt, từ vị trí, dịch vụ và cơ sở vật chất. Giá phòng đều rất ổn, thuê theo giường dorm chỉ tầm 10-15$/đêm.
Ăn uống ở Taiwan
Đồ ăn đường phố – street food – ở các chợ đêm
Để tìm hiểu và tận hưởng những món ăn đặc trưng ở Đài Loan, không đâu dễ bằng việc lật tung các khu chợ đêm. Đặc điểm ở Đài là hầu như thành phố nào cũng có chợ đêm, nào là Shilin, Raohe ở Taipei, rồi khu phố cổ Anping ở Tainan, Liuhe ở Kaohsiung và Ziqiang (東大門自強夜市) ở Hualien. Các chợ đêm ở Taipei thông thường đồ ăn cũng tương tự nhau, đều bày bán những món ăn đặc trưng của Đài, chỉ khác nhau về độ rộng. Theo tôi thấy thì chợ Shilin rộng nhất, Raohe thì bé hơn chỉ có một dãy từ đầu đến cuối phố. Chợ Liuhe thì ngập tràn hải sản.
Bạn nên đi dạo quanh chợ một vòng trước, thăm thú và ngẫm nghĩ xem định ăn gì, và tốt nhất là mỗi thứ nên thử một ít cho đến khi căng bụng thì thôi! Giá đồ ăn ở Đài Loan nhìn chung không quá đắt so với những nước phát triển, nhưng cao hơn so với các nước như Việt Nam, Thái Lan một chút.
Các món ăn đặc trưng của Taiwan
Một số món ăn bạn nhất định phải thử ở Đài Loan như: đậu hũ thối, món quá nổi tiếng mà đi đâu cũng thấy, đậu hũ ăn ngon, chẳng thối, mùi “thối” hình như nằm ở nước sốt; bún Oyster cực kỳ dễ ăn, thêm chút hải sản và rau thơm vào thì ngon tuyệt; các loại bánh bao nhân thịt, bánh nóng giòn và thơm; các loại xiao-long bao truyền thống giống của Trung Quốc; mỳ bò; các loại hải sản nhiều vô kể, có cả nướng, cả tẩm bột chiên giòn, cả tươi sống;..
Nếu ăn sáng thì nên chọn một số món như bánh nướng hành, kebab doner cũng rất ngon, rồi Breakfast Taiwan Style ở Yong He Dou Jiang. Nhớ gọi thêm một cốc sữa đậu nóng/lạnh theo đúng style điểm tâm sáng của Đài Loan.
Thêm nữa khi ở Taipei – Đài Bắc là nhớ đến Din Tai Fung dưới chân Taipei 101 nhé, nhà hàng được xếp hạng 1 sao Michellin. Tuy hơi đắt chút xíu nhưng cũng rất đáng để thử vì nó nổi tiếng và Xiaolong Bao ở đây thì khỏi phải giới thiệu nữa. Mời bạn đọc thêm bài viết khi tôi ăn Din Tai Fung ở Singapore.
Uống trà sữa Đài Loan
Giống như đến Ý phải thử tất cả các loại kem Ý, thì đến Đài Loan chẳng có lý do gì mà không thưởng thức tất cả các loại trà sữa ở đây. Những thương hiệu nổi tiếng nhất về trà sữa có thể kể đến như Chun Shui Tang, Lattea, Gong Cha, 50 Lan, Teapatea (Cha Tang Hui – TP Tea), Ten Ren Tea. Có vẻ như nổi tiếng nhất thì là Gong Cha, nhưng đắt nhất chắc là Ten Ren, gì mà một cốc trà sữa những 80-100NT lận !
Thường thì đến mua trà sữa tại cửa hàng các hãng nổi tiếng thì họ đều nói được tiếng Anh, còn nếu mua vỉa hè, trên phố, chợ đêm có thể họ sẽ chỉ nói được tiếng Trung. Hãy nhớ Trà sữa tiếng Trung là “chân chu nải chá”, nếu không muốn ăn Trân châu mà muốn gọi Pudding thì bạn nói “pút đinh nải chá”, còn tiếng Anh là Bubble Tea.
chuyển hướng từ google.com.vn